Apple: 3 năm cho 1 thứ (phần 1)

Thảo luận trong 'Thông tin công nghệ' bắt đầu bởi vtn1, 26 Tháng chín 2014.

  1. Offline

    vtn1

    • Windows 3.0

    Số bài viết:
    2.379
    Đã được thích:
    82
    Điểm thành tích:
    40
    Thời của Steve Jobs đã qua được 3 năm. Trong vòng 3 năm ròng rã ấy, Apple đã lột xác, tạo thành một lớp vảy mới hoàn toàn khác. Tốt hơn hay tệ hơn, có thể chưa rõ ràng, nhưng chúng ta cùng xem cách Tim Cook "lột vảy" như thế nào.
    [IMG]
    Phòng làm việc của Steve Jobs vẫn không thay đổi. Sau khi ông qua đời năm 2011, Tim Cook, vừa là bạn, vừa là người kế vị ông với chức danh CEO, quyết định không đụng chạm gì đến căn phòng trang trí sơ sài trên tầng thứ 4 của toà nhà số 1 Infinite Loop. Đó không phải là cái đền thờ hay là nơi than thở gì đó cho Jobs, mà nó chỉ là không gian mà ông Cook cảm thấy không ai có thể ngồi vào đó thay thế được. "Đó là văn phòng của Steve", ông đơn giản nói như vậy.
    Phần còn lại, hầu như mọi thứ của Apple tại trụ sở chính ở Cupertino, California, Mỹ đều thay đổi. Những lối đi trước kia như toát ra một năng lực đáng sợ nào đó của vị đồng sáng lập có tâm tính bất thường của Apple nay lại trở thành những lối đi thoải mái, êm đềm, phản ánh một tác phong bình lặng đặc trưng của dân miền Nam nước Mỹ, nơi của ông chủ mới của Apple. Căn-tin Apple giờ lúc nào cũng đông người. Cách đó vài km, bên trong hàng rào, đội ngũ xây lắp đang xây một toà nhà hình con tàu không gian khổng lồ, sẽ là chỗ cho 12.000 nhân viên làm việc trong vài năm tới.
    Mãi cho đến ngày 9/9 vừa qua, mọi thay đổi nơi công ty có thể xem lớn nhất và giá trị nhất thế giới này đều được báo giới và mọi người tỏ tường. Rồi ông Tim Cook đăng đàn ở Flint Center trong sự kiện mà ông đặt tên là Performing Arts và trình diễn sản phẩm mà họ đã hì hụi chế tác trong vòng 3 năm trời qua. Kết quả là họ có được con số kỷ lục đặt hàng trước cho iPhone 6 và 6 Plus. Rồi đến các ngân hàng gồm Bank of America, Capital One, JPMorgan Chase, Wells Fargo và vài ngân hàng khác, cộng thêm vài hãng thẻ tín dụng và một số nhà bán lẻ lớn cũng đã sẵn lòng sử dụng hệ thống thanh toán di động Apple Pay. Thậm chí Apple Watch, là sản phẩm hoàn toàn mới trong kỷ nguyên Cook, cũng có nhiều phản ứng tích cực từ phía người dùng mặc dù phải đến 2015 chiếc đồng hồ này mới được bán.
    Ông Cook phấn khởi cho rằng đây là một thắng lợi. Ông nói: "Bất kỳ ai hôm qua rời khỏi Cupertino thì hôm nay họ biết rằng ở đó đang có những thay đổi mạnh mẽ và đẹp đẽ hơn... Tôi nghĩ nếu Apple có sản phẩm gì mới thì sản phẩm đó có thể theo người dùng lên giường."
    Nhưng ngoài việc công bố sản phẩm mới thì phía sau đó lại là một câu truyện khác. Khi ông Cook lên vị trí của Jobs cách nay 3 năm, những cơ hội mà ông có thể tiếp tục giữ Apple luôn ở "đỉnh cao phong độ" không nhiều. iPhone chiếm đến hơn 1/2 doanh thu và lợi nhuận của Apple. Cùng lúc ấy, Samsung và nhiều công ty sản xuất điện thoại khác nổi lên, chạy hệ điều hành Android miễn phí của Google đã khiến Apple phải chật vật trong thị trường điện thoại thông minh. Điều này có vẻ hao hao như tình trạng mà Apple từng thảm bại hồi thập kỷ 80 và 90 thế kỷ trước, lúc hệ điều hành Windows của Microsoft đánh bật Apple ra khỏi thị trường PC vậy.
    Chuyên môn của ông Cook là quản lý chuỗi cung ứng, không phải là thay đổi đặc điểm nhận diện trong các tổ chức đậm chất cá nhân, phức tạp và độc đáo. Tuy vậy, 3 năm sau đó, các nhà quản lý Apple kỳ cựu liên tục lập lại và nhấn mạnh rằng họ muốn một vị sếp mới có thể tin cậy để dỡ bỏ những lề thói cứng nhắc trong lịch sử kinh doanh của công ty này. Nhiều nhà lãnh đạo Apple rất tự hào khi thuộc đội ngũ của Tim Cook và họ cho rằng ông Cook xứng đáng được nhận nhiều lời tán thưởng hơn hiện nay.
    Ông Cook không quản lý Apple dưới góc nhìn lý tưởng hoá một vấn đề nào đó. Thậm chí ông còn chấp nhận vác lấy trách nhiệm ngồi lên chiếc ghế CEO, vì ông biết rõ ràng quá trình chuyển đổi “quyền lực” của Apple luôn luôn khó khăn và ông có nhiều điều cần phải chứng minh.
    Công ty mà ông Cook tiếp quản là một thể chế bị chia nhỏ thành từng nhóm chuyên biệt, chịu trách nhiệm theo từng mảng rạch ròi như phần cứng, thiết kế phần mềm, tiếp thị, tài chính. Mọi công việc đều tách bạch hẳn hoi và có rất ít thông tin chia sẻ giữa các nhóm này với nhau, vì một lẽ là dưới tầm nhìn của ông Jobs thì việc chia sẻ thông tin là không cần thiết. Khi ông Jobs qua đời, vài người tại Apple không rõ một cấu trúc phi tập trung như vậy có thể tồn tại vững hay không nếu không có một tiếng nói lãnh đạo có trọng lượng. Trong vài tháng đầu, chẳng ai xác định rõ ràng được điều gì để có thể đưa ra những quyết định táo bạo, và các nhóm ấy luôn tỏ ra ngập ngừng trong mọi việc.
    [IMG]
    Phút giây quyết định đối với ông Cook là vào cuối năm đầu tiên ở chức vị CEO, khi ông sa thải Scott Forstall, là một trong những nhân viên kỳ cựu, tin cậy nhất của Jobs. Ông Forstall đứng đầu nhóm phát triển phần mềm cho iPad và iPhone; ông ta cũng chịu trách nhiệm cho ứng dụng Apple Maps và dịch vụ nhận diện giọng nói Siri quá tệ. Có những lời đồn đại, to nhỏ trong văn phòng của Apple sau vụ sa thải này. Ngay lập tức, ông Cook triệu tập cuộc họp với các nhà quản lý kỳ cựu để giải thích về cách cấu trúc Apple mới sẽ vận hành như thế nào. Jonathan Ive, chịu trách nhiệm về mảng thiết kế sản phẩm, được ông Cook giao cho quản lý giao diện của iOS trong khi bộ phận phát triển hệ điều hành di động được hợp nhất lại với phần mềm nền Mac, dưới sự chỉ đạo của ông Craig Federighi.
    Ông Cook cũng có một kế hoạch gỡ bỏ lối suy nghĩ và tầm nhìn cũ thời của Jobs. Ông nói rằng chẳng có gì xấu để nói về Forrstall và khi sa thải ông ta, ông không hề hối tiếc.
    Cách nay một thập kỷ, khi ông lần đầu tiên được công chúng biết đến, bây giờ ông đã 53 tuổi, thường bị mấy tờ báo biếm hoạ vẽ so sánh với thời của Steve Jobs. Riêng bản thân Cook, ông bỏ ngoài tai mọi mong đợi của mọi người. Ông hướng đến nhân viên của Apple, chụp ảnh “tự sướng” với nhân viên mình và trả lời mọi câu hỏi cho dù những điều đó không có trong lịch làm việc của ông. Ông cũng biểu lộ cảm xúc về nhiều chủ đề xã hội một cách công khai. Nhưng như vậy, ông Cook lại không còn được tin cậy như Steve Jobs thời xưa.
    Làm việc cộng tác có thể làm một đặc trưng, nhưng với ông Cook, ông khẳng định đó là một điều cấp bách mang tính chiến lược. Cùng với hàng ngàn nhân viên thì điều tối quan trọng là cần phải xoá bỏ ranh giới giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Cách duy nhất để xoá bỏ nó là mọi người cần cùng nhau làm việc. Nhưng như thế chưa đủ, cần hợp tác và phối hợp lẫn nhau đến mức mà khi hỏi bạn làm ở phòng ban nào, thì câu trả lời là “Tôi không biết”. Bởi vì Apple hiện nay đang tập trung nhiều vào trải nghiệm người dùng hơn là đứng trên phương diện xem xét từng chức năng của một sản phẩm nữa.
    Đến nay, có thể thấy kết quả khá rõ ràng cho mô hình này, khi mà các dịch vụ của Apple có thể chạy được trên nhiều thiết bị Apple khác nhau. Nhúng sẵn trong iPhone 6, iOS 8 và hệ điều hành Mac OS X Yosemite là một tính năng tên là Continuity, cho người dùng tạo một email hoặc một tác vụ nào đó trên máy Mac, rồi tiếp tục công việc soạn email hay chạy tác vụ đó trên iPhone, rồi chuyển qua iPad hoặc thậm chí qua Apple Watch.
    Còn với dịch vụ thanh toán Apple Pay, người dùng sẽ có thể chạm ngón tay của họ lên bộ đọc vân tay Touch ID ngay trên iPhone, đặt điện thoại lên bộ đọc thẻ tín dụng để thanh toán mà không phải bật điện thoại lên hay phải mở một ứng dụng nào khác. Đây là một ví dụ khác cho thấy hướng tập trung mà ông Cook muốn về khả năng kết hợp giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ, là bài kiểm tra quan trọng cho công ty. Apple chưa có tiếng tăm trong mảng đưa ra dịch vụ dễ dùng, thuận tiện cho người tiêu dùng. Các dịch vụ như iCloud, iTunes và Siri còn thiếu tính trực quan và bóng bẩy như sản phẩm của họ, ngoài ra còn tính an toàn, bảo mật về thiết bị, nhất là khi thực hiện các giao dịch tài chính.
    Chiếc iPhone mới sử dụng công nghệ NFC, là công nghệ giao tiếp không dây cự ly ngắn để truyền dữ liệu từ điện thoại đến máy thanh toán của cửa hàng. Phần mềm trong điện thoại có chứa thông tin thẻ tín dụng người dùng và đảm bảo không chia sẻ thông tin đó trực tiếp với người bán. Apple đã khởi động hệ thống này từ năm ngoái khi bắt tay với các ngân hàng, công ty thẻ tín dụng và các nhà bán lẻ để giúp cho việc thanh toán của người dùng dễ dàng hơn, tiện lợi hơn vì Apple có rất nhiều người dùng iPhone. Kết quả là Apple đã ký kết được với các ngân hàng lớn, các công ty thẻ tín dụng và nhiều chuỗi cửa hàng tên tuổi như McDonald, Walgreen.
    [IMG]
    Tim Cook tại 1 Infinite Loop.
    Nhưng “văn hoá” của ông Cook không thể làm hài lòng hết thảy. Theo một nhà cựu thiết kế ở Apple, người từng quen với việc bỏ ra nhiều giờ và nhiều đợt cùng ông Jobs xem tới xem lui, tỉ mỉ từng chi tiết một các biểu tượng trên màn hình thì Apple hiện nay không còn được như vậy nữa. Ông chơ rằng ông rời Apple vì Apple trở nên quá lớn mà sản phẩm của họ một khi tạo ra được theo từng nhóm nhỏ hồi xưa bây giờ là thành quả của nhiều đội ngũ liên kết với nhau. Số khác lại khó chịu vì tính cứng rắn của ông Cook về vấn đề tài chính. Trong các cuộc họp, một khi đã đưa ra kế hoạch đánh giá sản phẩm thì ông Cook yêu cầu các nhà quản lý đưa ra các câu hỏi về làm thế nào để chi trả và thuê mướn mọi thứ liên quan, và phải trình bày trực tiếp cho riêng ông. Bộ phận tài chính và quản lý bây giờ cùng ngồi chung với các kỹ sư và nhà thiết kế trong các phiên họp về lộ trình sản phẩm, cùng với các đối tác cung cấp linh kiện.
    Ông Cook cũng tiếp tục quản lý ở cấp độ vi mô trong những mảng mà Apple am tường nhất. Ông vẫn chủ trì các cuộc họp vào chiều thứ 6 hàng tuần với các giám đốc kỳ cựu trong mảng cung ứng sản phẩm, khiến một số người không muốn sự xuất hiện của ông như vậy nữa vì ông nêu ra những câu hỏi rất chi tiết, không đúng với tư cách của CEO là cần có cái nhìn tổng quát hơn.
    (còn tiếp)
    [IMG]

    Nguồn: PC WORLD VN

Chia sẻ trang này

Advertising: Linux system admin | nukeviet | nukeviet 4 | Upload ảnh miễn phí